Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
183550
           

           VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ XÃ XUÂN LỘC- HUYỆN TRIỆU SƠN.

 C sở.jpg
Công sở xã Xuân Lộc

Hội trường.jpg

          1, Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

          Xuân Lộc là một xã nằm về phía Bắc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cách  trung tâm huyện 10 km về phía tây bắc và cách thành phố Thanh Hóa 30 km về phía đông.   

            Phía Đông giáp Xã Thọ Vực huyện  Triệu Sơn

           Phía Nam giáp xã Xuân Thịnh huyện Triệu Sơn

           Phía Tây giáp xã  Thọ Ngọc huyện Triệu Sơn

           Phía Bắc giáp xã Thọ Lộc huyện Thọ Xuân

           Phía bắc có đường Quốc lộ 47B chạy qua cánh đồng làng Thành Tín, diện tích tự nhiên của xã có 300,17 ha.  Diện tích đất nông nghiệp là 179, 15 ha, đất chuyên màu35,3 ha.. đất ao hồ là 12,5 ha, còn lại là các loại đất khác. Tính đến thời điểm tháng 4 năm 2020

            Toàn xã có 1.297 hộ với .4.283 nhân khẩu,  dân cư được phân bổ ở 4 thôn hay còn gọi là 04 làng truyền thống bao gồm ( Làng Thành Tín, Làng Yên Trinh, Làng Cốc Thuận và làng Thủy Tú)         

          - Địa hình và thổ nhưỡng: Là một xã thuộc vùng đồng bằng châu thổ, chất đất ở Xuân Lộc thuộc loại đất phù xa cổ không được bồi đắp hằng năm. Nhìn chung chất đất tương đối tốt, ít chua, tơi xốp. thuận tiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp.

          - Khí hậu: Xuân Lộc nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chịu tác động sâu sắc của gió mùa. Hàng năm từ tháng 5 đến tháng 10 thường có gió mùa Đông Nam, còn gọi là gió nồm, mang hơi nước từ biển thổi vào nên có tính chất mát ẩm, trùng với thời kỳ mưa nhiều ở Nước ta.

          - Sông hồ, ao dọc. Theo thống kê diện tích ao hồ trong xã có 12,5 ha. Trong đó hồ Thủy Tú được coi là một trong những hồ nước tự nhiên đẹp của xã, hồ rộng 12 mẫu, nước trong xanh hồ nối dài vùng đất trũng( ao hồ) tận Nam cai ( xã Nam Giang huyện Thọ Xuân) chính vì vậy nhân dân có câu " Thượng Nam cai, hạ oanh Cốc" một diện tích nước khác cũng ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử là dãi ao giữa làng Thành Tín và Yên Trinh, Cốc Thuận. Qua khảo cứu cho thấy đây là vết tích một dòng sông khá rộng. Do biến đổi của địa chất cũng như tác động của con người, đoạn sông này lưu lượng dòng chảy giảm dần nhân dân ngăn thành ao thả cá.

          Ở phía nam của xã có con sông Hoàng hay còn gọi là sông ( Nhà Lê) chảy qua địa bàn xã khoảng 2km bắt nguồn từ huyện Thọ Xuân. Ngoài sông tự nhiên Xuân Lộc có chi giang 36 từ kênh Nam của hệ thống thủy lợi sông Chu chảy về, từ ki lô mét 3,5 đến ki lô mét 5,5 qua 02 làng Thành Tín và Cốc Thuận. Từ đây có các con mương dẫn nước tưới về các xứ đồng nên tưới tiêu ở Xuân Lộc tương đối thuận lợi. Với hệ thống sông ngoài, ao hồ phân bổ trên địa bàn xã như vậy nhìn chung Xuân Lộc tương đối chủ động được nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

          2. Quá trình hình thành làng xã:

          Quá trình hình thành và phát triển của xã Xuân Lộc gắn liền với sự hình thành, phát triển và đấu tranh cách mạng của huyện Thọ Xuân và huyệnTriệu Sơn. Trước cách mạng tháng Tám, các làng của Xuân Lộc thuộc tổng Thượng Cốc phủ Thọ Xuân. (Theo sách Đồng khánh địa dư chí tập 2) tổng Thượng Cốc có 27 xã, thôn trong đó có thôn Trai ( Thành Tín) và thôn Cốc Thuận thuộc xã Thượng Cốc, thôn Phù Lưu ( Yên Trinh) và thôn Thủy Tú thuộc xã Oanh Cốc. 

          Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ có chủ trương bỏ đơn vị cấp tổng, thành lập đơn vị hành chính xã, tổng thượng Cốc được giải thể, trên địa bàn lúc này thành lập xã Trung Thành gồm các làng của Xuân lộc, Xuân Thịnh ngày nay. Đến năm 1948, thực hiện chỉ đạo của huyện Thọ Xuân về việc ghép các xã nhỏ thành xã lớn, xã Trung Thành sáp nhập với xã Quả Nhuệ ( xã Thọ Lộc, huyện Tho Xuân) thành xã lớn có tên là Thọ Lộc.    

          Năm 1954, xã Thọ Lộc được chia thành 03 xã gồm: Xuân Lộc, Xuân Thịnh, Thọ Lộc. Tên xã Xuân Lộc chính thức có từ đây, xã có 04 làng ( Làng Thành Tín, Làng Yên Trinh, Làng Cốc Thuận và làng Thủy Tú) Thực hiện quyết định 177- QĐ/ CP ngày 16/12/1964 của Chính Phủ, cắt 20 xã phía vắc của huyện Nông Cống và 13 xã phía Đông của huyện Thọ Xuân để thành lập huyện Triệu Sơn, ngày 25/02/1965. Lễ tuyên bố     thành lập huyện Triệu Sơn được tổ chức, từ đây xã Xuân Lộc trực thuộc huyện Triệu Sơn       . Có thể thấy quá trình hình thành địa danh xã Xuân Lộc luôn gắn với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân trong xã nói riêng, cả nước nói chung. Cái tên Trung Thành, Xuân Lộc gắn liền với các phong trào cách mạng của cả tỉnh, cả nước. Đó là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nhưng cũng rất đổi thân thuộc, bình dị với cây đa, giếng nước sân đình   và những truyền thống văn hóa đặc trưng của nền văn minh lúa nước.

          * Để hiểu rõ thêm về quá trình mở đất lập làng, hình thành cộng đồng dân cư trong xã xin giới thiệu đôi nét về các làng.

          - Làng Thành Tín: Đây là một làng được coi là có lịch sử lâu đời của xã Xuân Lộc, theo lịch sử tryền thống của làng thì làng được hình thành vào năm thiên phúc thứ nhất thời vua Lê Đại Hành (980) trong sách tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XI X thời vua Gia Long ( 1802- 1819) cũng như sách đồng khánh địa dư chí tập 2, làng có tên là Làng Trai thuộc tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương Tương tuyền năm Hồng Đức thứ nhất (1470) trong một lần vua Lê Thánh Tông về quê ghé thăm làng thấy xóm làng trù phú, dân tình yên vui, đình, chùa, văn thánh quy cũ liền đổi tên làng thành làng Thành Tín. Làng chia thành các xóm  bao gồm:  ngõ Dưới, ngõ Thâu, ngõ Giữa, ngõ Ba, ngõ Ngoài các ngõ xóm đều có rãnh thoát nước ra dãy ao trước làng, nên trong làng Thành Tín luôn cao ráo sạch sẽ. Trong làng có nhiều công trình kiến trúcđộc đáo như: đình, chùa, nhà bia, văn chỉ đặc biệt là ngội đình làng Thành Tín có quy mô rộng lớn hơn so vói các làng trong xã.

          Thành Tín có truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước và cách mạng. Từ thời cần vương làng đã có nhiều người tham gia chống Pháp. Từ khi có đảng lãnh đạo cách mạng làng đã có nhiều người tham gia hoạt động, giúp đỡ che chở cán bộ về hoạt động. Đây là làng có đóng góp nhiều nhất xã trong kháng chiến chống pháp. Trong làng có 02 người được công nhận là lão thành cách mạng, 05 gia đình được cấp bằng có công với cách mạng. Hiện nay trong làng có nhiều người đỗ đạt thành danh. Trãi qua 1.200 năm từ khi lập làng dân làng Thành Tín đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng xóm, thôn trù phú góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

          Làng Cốc Thuận:  Làng Cốc Thuận hình thành từ bao giờ vẫn là một câu hỏi chưa được làm sáng tỏ. Chỉ biết  khi vua Gia Long (1802- 1819) cho biên soạn cuốn sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XT X từ Thanh Hóa trở ra, thì trong tổng Thượng Cốc huyện Lôi Dương ( Nay là Thọ Xuân) có 17 xã, thôn trong đó thôn Cốc Thuận đứng ở số thứ tự 05. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì trước cách mạng tháng Tám, làng được chia thành 02 xóm ( Xóm Thuận và xóm Hòa) với chưa đầy 80 hộ dân, trên 300 người. Xét về kinh tế thì trước đây Cốc Thuận không phải là thôn có kinh tế khá giả trong xã. Dưới chế độ phong kiến đời sống nhân dân trong làng gặp nhiều khó khăn,

          Về di tích kiến trúc: Làng có ngôi đình thượng ( Còn gọi là đình Ngựa Hồng) 05 gian thờ thành Hoàng, một ngôi đình dùng để hội họp, một đền thờ thổ công được xây gần chợ Cốc, nên còn gọi là đền Chợ ( Trong dân gian còn gọi là đình chợ) một văn chỉ để thờ đạo Nho. Cũng như nhiều làng trong xã, trong kháng chiến chống thực dân Pháp có nhiều người về đây tản cư, trong đó có nhiều học sinh, giáo viên trường Đào Duy Từ và trường Trung học tư thục Hoàng Văn Thụ. Làng có chợ Cốc là trung tâm giao lưu, trao đổi hàng hóa cả vùng từ khi có dân di cư đến buôn bán, sinh hoạt khu chợ trở thành khu trung tâm thương nghiệp, dịch vụ gọi là phố Cốc. Trong kháng chiến chống Pháp Trung đoàn Quang Trung đã về nghỉ chân ở các hộ dân trong xã. Tại đình Ngựa Hồng danh Tướng Nguyễn Sơn đã nói chuyện với bộ đội. Đây là điểm nhấn độc đáo của Cốc Thuận trong sự phát triển chung của khu vực.

          Như vậy có thể thấy Cốc Thuận là một làng có truyền thống văn hóa lâu đời, nhiều ngành nghề từng phát triển, bên cạnh nghề trồng lúa nước. Trong quá trình dựng làng, giữ nước nhân dân Cốc Thuận đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào, góp phần vào sự lớn mạnh chung của xã Xuân Lộc.

          - Làng Yên Trinh:  Làng yên Trinh nằm ở trung tâm xã, nơi có công sở, chợ, trường học. khi mới thành lập làng có tên là Phù lưu, sau đổi thành Yên Trinh. lịch sử truyền thống của làng không ghi chính xác giai đoạn hình thành làng từ bao giờ. Tuy nhiên theo khảo cứu làng yên Trinh được thành lập vào đời vua Tự Đức ( 1848- 1883) các tài liệu ghi chép từ thời Đồng Khánh ( 1885- 1888) ghi thôn Phù Lưu thuộc xã Oanh Cốc, Tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương. làng có 02 xóm trước cách mạng tháng Tám chia thành 02 phe. Xóm trên là xóm Yên, chủ yếu là dân bản địa xóm dưới là xóm Trinh do nhân dân ngoài bắc vào ở.

          Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì trước đây khu vực làng ở bây giờ thuộc đất làng Thành Tín , phía xóm trên có một số hộ dân đến sinh sống. Vào cuối thời Lê có một số hộ với 7 xuất đinh từ Hà Đông vào tìm đất lập nghiệp lập thêm xóm dưới. Từ các hộ này phát triển nghề trồng trầu khắp cả cộng đồng dân cư và có tiếng cả vùng.  Thời bấy giờ chưa lập làng mà gọi là Trại trầu thuộc làng Thành Tín, dân số ngày càng đông do sinh đẻ và do tiếp tục nhập cư  từ ngoài Bắc vào. Những người có uy tín trong Trại trầu  vận động nhân dân đóng góp xây dựng đình và một số công trình khác. Khoảng giữa thế kỷ XI X khi đã đủ điều kiện lập làng gồm: Sổ địa bạ, sổ địa ẩm, hương ước đình làng, Thành hoàng, hội đồng ngũ hương, hội đồng bô lão, các cụ cao tuổi đi làm hồ sơ xin lập làng. Vua Tự Đức ( 1848- 1883) phê " Phù Lưu phiêu liêu thất tích mãi mãi phục hồi dĩ dân vi quý" tạm hiểu dân Phù Lưu đã phiêu bạt mãi, nay phục hồi lấy dân làm trọng. Tên làng Phù Lưu cũng xuất phát từ nguồn gốc hình thành cộng đồng dân cư ở đây. sau này làng được đổi tên thành Yên Trinh.   

          Cho đến trước cách mạng tháng Tám, dân làng Yên Trinh sống nghèo đói dưới chế độ thực dân, phong kiến, cả làng chỉ có 05 gia đình cố nhà ngói. Tuy nhiên qua mấy trăm năm tồn tại và phát triển, dân làng Yên Trinh đã tạo nên những giá trị tinh thần phong phú. Đây là một làng có thành phần dân cư từ nhiều nơi đến sinh sống, nên văn hóa có sự giao thoa giữa các vùng miền. Trong làng có ngôi đình 03 gian, ngôi chùa thờ phật gọi là chùa Bụt. Đặc biệt là văn hóa dân gian có sự đan xen giữa văn hóa khu vực ngoài bắc như hát trống quân, hát quan họ, với hát đúm, hát ghẹo, hò đối của nhân dân địa phương. Trước và sau cách mạng tháng Tám  yên Trinh có nhiều người tham gia cách mạng. Nhiều nhà cách mạng từng về đây hoạt động. trong các cuộc kháng chiến giữ nước, cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, dân làng Yên Trinh đã có những đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của xã nhà, đưa Xuân Lộc phát triển như ngày hôm nay.

          - Làng Thủy Tú:  Theo các cụ cao niên trong làng thì làng được hình thành cách đây khoảng 400 năm. người đến đây khai canh lập làng đầu tiên là Ông tổ họ Lê Đình, Lê Văn, Nguyễn Văn. Từ nhiều đời các cụ vẫn truyền lại. Tên làng trước kia là làng Thủy Tụ, bởi làng ở trong vùng trũng như một ( rốn nước) mỗi khi mưa, nước từ các làng trong khu vực lại dồn về. Đây là vệt đất trũng từ làng Nam Cai ( Nam Giang Thọ Xuân) chạy về đến làng bởi vậy có câu " thượng Nam Cai hạ Oanh Cốc"  sau này (chưa rõ từ thời gian nào) làng đổi tên thành Thủy Tú, có nghĩa là nguồn nước đẹp, Tra cứu các tài liệu lưu trữ từ thời đầu thế kỷ XI X chưa thấy tên làng Thủy Tú. Đến khi nhà Nguyễn biên soạn cuốn Đồng khánh địa dư chí tập 2 có ghi; Thôn Thủy Tú, xã Oanh Cốc, tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương. như vậy dù là Thủy Tụ hay Thủy Tú tên làng vẫn gắn liền với nước .    

          Từ xưa, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn dân làng vẫn xây được những công trình kiến trúc như: đình Thượng, đình Hạ, chùa thờ phật, phủ thờ thánh, hiện nay các công trình trên đã bị phá, các đồ thờ không còn gì, riêng có 02 bức tượng sơn son thếp vàng ở ơhur đang được gia đình anh: lê Đình Hậu đem về thờ tại Am thờ mới xây ở vườn nhà. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, làng đã đón nhiều người dân tản cư, các đoàn cán bộ về ở tại làng. Đặc biệt nhiều tri thức, học giả trong đó có gia đình Ông: Lê Dy Niên ( lúc này ông đang còn bé, sau này làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ông: Nguyễn Diên Niên từng là chủ tịch hội khoa học lịch sử Thanh Hóa.

          + Như vậy có thể thấy rằng cộng đồng dân cư  ở xã Xuân Lộc, ra đời trên cơ sở hình thành các làng. Làng Thành Tín hình thành cách đây trên 1000 năm, các làng khác cũng hình thành 300- 400 năm. Riêng xã Xuân Lộc ra đời gắn với phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc, xã, huyện đã từng thay đổi tên gọi, địa giới, chia tách, sáp nhập, nhưng các làng ở Xuân Lộc vẫn bền vững qua năm tháng và đang ngày càng phát triển.

          3. truyền thống lịch sử.                                                                             

          Xã Xuân Lộc được biết đến như là một " Địa chỉ đỏ" của phong trào cách mạng     của huyện và tỉnh. Ngay từ những ngày đầu phong trào cách mạng. Xuân Lộc cùng với các xã trong khu vực đã trở thành " An toàn khu" để các chiến sỹ cách mạng về công tác và ẩn náu khi bị địch lùng bắt, nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh, huyện như: Lê Huy Toán, Lê Chủ, Hoàng Sỹ Oánh, Lê Thọ Thợi.... đi về đây hoạt động và chỉ đạo phong trào. đã bao lần địch đưa quân vrrf Xuân Lộc đàn áp phong trào cách mạng bắt bớ, tù đầy những người tham gia cách mạng, những người này bị bắt, người khác đứng lên tiếp tục sự nghiệp cách mạng nhân dân các làng vẫn một lòng theo Đảng tiếp tục đấu tranh chống lại cường quyền, áp bức.

          Tháng 6- 1940. Chi bộ Trung Thành ( Tiền thân của Đảng bộ xã Xuân Lộc và xã Xuân Thịnh)  ra đời đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng địa phương. Qua quá trình đấu tranh cách mạng quê hương Xuân Lộc đã sản sinh ra những người con ưu tú, những chiến sỹ trung kiên, được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, nhiều gia đình được công nhận có công với nước. Trong những năm kháng chiến chống Pháp. Xuân Lộc đã trở thành một trung tâm văn hóa- giáo dục kháng chiến khi đón các cơ quan, trường học như: Trường Đào Duy Từ, trường Hoàng Văn Thụ cũng như nhiều giáo sư, nhà văn hóa về đây hoạt động.

          Nước nhà thống nhất. Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Lộc lại cùng với cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc,  cuộc chiến trong giai đoạn mới đầy cam go, ác liệt, vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng xã hội mới, vừa tiến hành bảo vệ Tổ Quốc trước công cuộc chiến tranh biên giới,  cán bộ và nhân dân xã Xuân Lộc cùng quân và dân cả nước đã lập được những chiến công hết sức tự hào, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước và tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đưa đất nước ta phát triển lên tầm cao mới.

          * Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng bảo vệ tổ quốc. Đảng bộ và nhân dân Xã Xuân Lộc đang chung sức, chung lòng phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tại địa phương, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đạt khá, tống sản lượng lương thực năm sau cao hơn năm trước ước đạt 2.450 tấn, chăn nuôi theo hướng trang trại tổng hợp. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thật vào sản xuất, trồng trọt được đẩy mạnh theo hướng CNH-HĐH, cơ sở hạ tầng, đường giao thông được quan tâm đầu tư, ngoài nguồn vốn ngân sách nhà Nước hỗ trợ nhân dân còn tự nguyện đóng góp làm hoàn thiện 100% các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, liên gia ( Theo phương châm nhà Nước và nhân dân cùng làm) hệ thồng thủy lợi từng bước được kiên cố hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng công sở, trung tâm hội nghị, sân vận động, tượng đài liệt sỹ, chợ Cốc, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn khang trang sạch đẹp. Công tác XHH giáo dục và phong trào khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh.

          Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 35.000.000 đồng/người/ năm. (Số liệu năm 2019) cơ cấu các ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ cơ cấu nông nghiệp, tăng tỷ lệ cơ cấu công nghiệp, thương mại- dịch vụ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo. đẩy mạnh phong trào " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư " và cuộc vận động " Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" Phong trào tập luyện TDTT được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, đặc biệt là môn bợi lội xã Xuân Lộc đã cung cấp nhiều VĐV thành tích cao mang lại các phần thưởng, huy chương các loại cho huyện nhà.

 

          Phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua. Đảng bộ và nhân dân Xã Xuân Lộc, đã và đang ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày một phát triển, phấn đấu xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn năm 2020- 2021.  Tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương, cùng với công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Lộc đã quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn; luôn coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần đại đoàn kết toàn dân để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

 Đình Xuân: CC.VHXH